Với rất nhiều những lý thuyết về chế độ ăn uống lành mạnh bủa vây xung quanh ngày nay, thật khó để biết điều gì thật sự tốt cho cơ thể chúng ta. Duới đây là một quan điểm về thực phẩm, đã được thiết lập cách đây hàng ngàn năm.
Bơ là tốt hay là xấu. Coca ăn kiêng là tốt, coca ăn kiêng là xấu. Thực phẩm sống là tốt, thực phẩm sống là xấu. Cái nhìn của chúng ta về thực phẩm lành mạnh thay đổi theo thời gian, thường phụ thuộc vào những nghiên cứu lâm sàng mới nhất. Tất cả chúng ta đều biết về chất béo, carbohydrates, proteins, vitamin và khoáng chất, nhưng bất kể kiến thức về thực phẩm tiến bộ đến đâu, luôn có những nghiên cứu giới thiệu về một cái gì đó mới và những lý thuyết về chế độ ăn kiêng được đưa ra.
Cơ thể chúng ta thực sự cần gì? Đó là một câu hỏi mà chúng ta dường như không thể tìm ra câu trả lời.
Người Phương Đông có câu trả lời riêng cho việc ăn uống lành mạnh, với các khái niệm liên quan chặt chẽ đến y học cổ truyền Phương Đông. Họ có lẽ là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho câu nói "You are what you eat" bất kể họ có làm theo lời khuyên đó hay không.
1. Thực phẩm là thuốc, thuốc là thực phẩm:
Trái ngược với Tây y, vai trò của thực phẩm và thuốc trong nền y học cổ truyền Phương Đông có sự đan xen. Ví dụ dưa hấu là thực phẩm, nhưng nó cũng có thể có tác dụng y tế trong những ngày nóng vì tính chất hydrat hóa của nó.
Các gia tộc cổ xưa của Phương Đông, có từ năm 2200 trước Công nguyên, bắt đầu khám phá các giá trị y học của các loại thảo mộc trong khi họ vẫn đang săn bắn và hái lượm. Một số thực phẩm làm giảm bệnh tật của họ, một số khác gây ra cái chết. Theo thời gian, và phù hợp với sự phát triển của triết học Phương Đông, các lý thuyết y học đã được phát triển.
Mặc dù vậy, cũng có một số thực phẩm được coi là thuốc hơn là thực phẩm. Ví dụ như nhân sâm. Khi nói đến nhân sâm, người dùng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bởi vì ăn nó có thể làm cơ thể của bạn tệ hơn. Tại sao, bởi vì thực phẩm có bản chất khác nhau, tất cả chúng ta là những cá thể riêng biệt, do đó cơ thể mỗi người sẽ có tương tác khác nhau với những loại thực phẩm khác nhau.
2. Năm bản chất của thực phẩm:
Trong y học cổ truyền Phương Đông, thực phẩm được chia thành 5 bản chất được gọi là "siqi" đó là: lạnh, mát, trung tính, ấm và nóng. Bản chất của thực phẩm không được xác định bởi nhiệt độ thực tế của chúng, mà là bởi sự tác động đối với cơ thể của một người sau khi tiêu thụ. Khi một người liên tục ăn một loại thực phẩm, nó sẽ tạo ra sự mất cân bằng trong cơ thể và ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của họ. Vì vậy, một trong những chìa khóa chính của y học Phương Đông là giữ cho cơ thể trung tính.
Thực phẩm ấm và nóng làm tăng nhiệt cho cơ thể chúng ta. Ví dụ: thịt bò, cà phê, gừng, ớt nóng và thực phẩm chiên. Trong khi thực phẩm mát và lạnh làm hạ nhiệt-hãy nghĩ đến salad, phô mai, trà xanh. Thực phẩm trung tính như dầu, gạo, thịt lợn và hầu hết các loại cá.
Một người nóng trong cơ thể thường cảm thấy nóng, đổ mồ hôi, gắt gỏng, lưỡi sưng hoặc có thể bị táo bón. Những người lạnh trong cơ thể có vẻ ngoài xanh xao, tay chân lạnh, cảm thấy yếu ớt và lưu thông máu kém. Khi điều này xảy ra, họ được khuyên nên sử dụng loại thực phẩm phù hợp để không làm tình trạng nặng thêm và đưa cơ thể về trạng thái trung tính.
3. Không chỉ là một hương vị:
Tương tự như phương Tây, người Phương Đông chia khẩu vị thành 5 loại khác nhau (Wuwei): chua, đắng, ngọt, cay và mặn. Nhưng trong y học cổ truyền Phương Đông đây không chỉ là những giác quan, mà mỗi hương vị của miếng thức ăn sẽ gửi dinh dưỡng đến những cơ quan tương ứng: thức ăn chua xâm nhập vào gan và giúp ngăn mồ hôi, giảm ho; thức ăn mặn đi vào thận có thể thẩm thấu, làm mềm cơ; thức ăn đắng xâm nhập vào tim và ruột non làm thanh nhiệt, thức ăn cay xâm nhập vào phổi và ruột già kích thích sự thèm ăn; thức ăn ngọt đi vào dạ dày và lá lách giúp bôi trơn cơ thể.
Vậy để khỏe mạnh, chúng ta chỉ ăn các thực phẩm trung tính trong tất cả các hương vị? Không cần thiết! Việc lựa chọn thực phẩm bị ảnh hưởng bởi cấu trúc cơ thể, thời tiết, môi trường nơi bạn sinh sống. Tình trạng cơ thể còn bị tác động bởi giới tính và tuổi tác.
4. Một kích thức không phù hợp với tất cả:
Giống như tất cả chúng ta có những tính cách khác nhau, mọi người có những cấu tạo cơ thể khác nhau (tizhi). Và giống như bạn không thể giao tiếp với tất cả mọi người theo cùng một cách, cơ thể chúng ta không thể nạp cùng loại thức ăn theo cùng một cách.
Vậy cấu trúc cơ thể là gì. Đã có nhiều sự phân loại khác nhau suốt chiều dài lịch sử của nền y học cổ truyền Phương Đông, hiện nay cách phân chia con người có 9 loại cấu trúc cơ thể của tác giả Huang Qi - người Trung Quốc giới thiệu năm 1978 được xem là phổ biến.
Ví dụ: Một người có nhiều "ẩm ướt và đờm" (tanshi) trong cơ thể họ có xu hướng thừa cân, đổ mồ hôi nhiều và có thể có khuôn mặt nhờn. Những người này thường có tính cách ôn hòa, điềm đạm.
Trong khi đó, một người có nhiều "ẩm ướt và nóng" (Shi-Re) thường nóng tính, có khuôn mặt nhờn và nhạy cảm. Cả hai người này cần thực phẩm khác nhau để lấy đi độ ẩm ướt của họ, điều đó đông nghĩa đồ ngọt có thể làm tình trạng cơ thể tồi tệ hơn.
Mỗi loại thực phẩm, tùy vào bản chất của nó có thể làm tốt lên hoặc xấu đi tình hình. Không có một loại thức ăn nào tuyệt đối tốt cho tất cả mọi người. Nhiều người coi gừng là tốt cho sức khỏe, nhưng khi bạn là một người khô và nóng trong, bạn càng uống nhiều trà gừng, bạn sẽ càng cảm thấy cơ thể khô và nóng hơn.
5. Ăn theo mùa:
Mùa và thời gian trong năm là một yếu tố khác khi nói đến lựa chọn thực phẩm. Ví dụ, mùa xuân ở Trung Quốc thường dính và ẩm ướt, điều đó có nghĩa người Trung Quốc cần thực phẩm để lấy đi sự ẩm ướt trong cơ thể như ngô, đậu trắng và hành tây.
Mùa hè nóng nực, vì vậy chúng ta cần thực phẩm để hạ nhiệt như dưa hấu và dưa chuột. Mua thu khô, có nghĩa là chúng ta cần thực phẩm để "bôi trơn" như đậu Hà Lan và mật ong. Mùa đông lạnh vì vậy chúng ta cần thực phẩm để làm ấm cơ thể chẳng hạn như thịt bò hoặc tôm.
Trong thế giới toàn cầu hóa, chúng ta có thể dễ dàng mua được thực phẩm không theo mùa. Nhưng đó sẽ không phải là cách tốt nhất để chăm sóc bản thân, vì thực phẩm theo mùa sẽ mang lại cho chúng ta dinh dưỡng mà cơ thể chúng ta cần trong thời gian cụ thể đó. Hiện nay, khái niệm này cũng đang tồn tại và áp dụng trong khoa học dinh dưỡng phương Tây.
6. Khí hậu cũng là một nhân tố quan trọng:
Khí hậu cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn thực phẩm của người Phương Đông. Ví dụ tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc là một tỉnh có khí hậu rất ẩm ướt và lạnh. Vì vậy, người Tứ Xuyên thích ăn cay vì thức ăn cay làm họ đổ mồ hôi và loại bỏ yếu tố ẩm trong cơ thể. Ngược lại những người ở vùng khí hậu ôn đới ăn quá nhiều thực ăn cay, cơ thể sẽ quá nóng và điều ấy không có lợi cho sức khỏe.
7. Tổng kết:
Vậy cuối cùng, những thực phẩm nào được coi là lành mạnh, những gì nên tránh? Theo y học cổ truyền Phương Đông, mọi thực phẩm đều bổ dưỡng và miễn là một người khỏe mạnh không ăn quá nhiều bất kỳ một loại thực phẩm nào, không có gì là không lành mạnh. Điều quan trọng là không ăn quá nhiều, chỉ tối đa 70% khả năng của bạn và có thức ăn ở nhiệt độ vừa phải, tránh làm quá tải các cơ quan tiêu hóa.
Triết học phương Đông đề cao yếu tố hài hòa âm dương, ngũ hành, nó cũng áp dụng đối với thực phẩm. Một chế độ ăn uống cân bằng, thực phẩm được sử dụng trong mối tương quan, phối kết hợp theo bản chất, hương vị, nhằm mục đích bổ sung những tinh chất mà cơ thể chúng ta cần.
Copyright: Huang-Shuen Lee
0 nhận xét:
Đăng nhận xét